So với nấm hương, nấm đông cô, nấm kim châm thì cách bảo quản nấm rơm cực kỳ khó. Bởi thời gian bảo quản ngắn, chỉ giữ tươi được từ 1 đến 2 ngày. Đặc biệt, nhiều bà nội trợ có thói quen bảo quản nấm trong tủ lạnh. Vì ai cũng cho rằng ở nhiệt độ thấp, nấm sẽ không dễ bị hư hỏng, tuy nhiên, điều đó hoàn toàn sai lầm. Vậy, làm sao để bảo quản nấm rơm tươi, để được lâu lại không làm nấm bị bủn, thâm đen? Hãy cùng chúng tôi giải đáp câu hỏi này để biết cách bảo quản nấm rơm được nhiều ngày hơn nhé.
Nấm rơm là gì?
Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea, thuộc họ nấm ăn Pluteaceae. Nấm rơm tự nhiên mọc ở nơi có khí hậu nóng ẩm nên gặp nhiều ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới thuộc Đông và Đông Nam Á.
Nấm rơm tươi có kích thước cỡ ngón tay cái, được trồng nhiều để làm thực phẩm ở các nước Châu Á, còn các vùng khác chủ yếu được tìm thấy ở dạng đóng hộp hoặc sấy khô. Những nỗ lực để trồng nấm rơm tự nhiên ở miền nam Hoa Kỳ cho đến nay vẫn không thành công.
Nấm rơm còn có những tên gọi khác như nấm rơm lúa, nấm cỏ, nấm phụ tử, nấm ngọc cẩu và nấm Trung Quốc. Sở dĩ loại nấm này có tên là nấm rơm lúa vì chúng phát triển tốt nhất trên rơm rạ hoặc gọi là nấm Trung Quốc vì việc trồng nhân tạo loại nấm này đầu tiên bắt đầu ở Trung Quốc.
Nấm rơm là loài thực vật kỵ khí, mọc thành chùm hoặc thành cụm trên những lá mục, gỗ mục, dăm gỗ, phân động vật, trên cây cối và nấm có khả năng sinh sôi, phát triển quanh năm. Nấm rơm thường phát triển tốt nhất ở nhiệt độ 28 – 35 ° C.
Công dụng của nấm rơm
Thành phần dinh dưỡng của nấm rơm khá phong phú, trong 100g nấm rơm khô chứa 21 – 37g chất đạm, 2,1 – 4,6g chất béo, 9,9g chất bột đường, 21g chất xơ, rất nhiều yếu tố vi lượng như canxi, sắt, phôtpho, các vitamin A, B1, B2, C, D, PP…
Trong 100g nấm rơm tươi chứa 90% nước, 3,6% đạm, 0,3% chất béo, 3,2% chất đường, 1,1% chất xơ (cellulose), 0,8% tro, 28mg% Ca, 80mg% P, 1,2% Fe, các vitamin A, B1, B2, C, D, PP… Cứ 100g nấm rơm tươi cho cơ thể 31 calorie. Với thành phần nhiều dinh dưỡng, nấm rơm không chỉ là thức ăn tuyệt vời, còn có thể chế biến nhiều “thực phẩm chức năng”, món ăn “thuốc” để hỗ trợ chữa bệnh, đặc biệt với các bệnh nội tiết chuyển hóa như: béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.
Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn có công năng bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, hạ cholesterol máu. Chủ yếu dùng tươi làm thuốc. Chữa xuất tinh sớm, gan nhiễm mỡ, suy giảm trí nhớ, giúp tăng cường sức khỏe…
Giúp tăng cường sức khỏe: Nấm rơm tươi 200g, đại táo 5 – 7 quả, nấu thành canh, ăn trong ngày, trước khi ăn thêm ít gừng. Mỗi tuần nên ăn 2-3 lần.
Chữa gan nhiễm mỡ: 100g nấm rơm tươi xào với 5 quả trứng cút, dùng vào bữa ăn tối. Mỗi liệu trình trong 15 ngày.
Chữa cơ thể suy nhược, suy giảm trí nhớ: Nấm rơm tươi 150g, trứng chim bồ câu hoặc trứng chim cút (bỏ vỏ) 20 quả, các gia vị: bột canh, hành, gừng, dầu ăn, mì chính vừa đủ. Các thứ trên có thể làm thành món xào hoặc làm canh dùng để ăn. Hàng tuần nên ăn 2 lần. Thực hiện trong 3 tháng.
Hỗ trợ chữa ung thư: Nấm rơm tươi 100g, đậu phụ 50g, nấu thành canh ăn trong các bữa cơm. Nên dùng thường xuyên trong các đợt xạ trị hóa chất.
Hỗ trợ điều trị các vết lở loét khó kín miệng: Nấm rơm tươi 60g, nấm đầu khỉ 60g, rửa sạch, thái ra xào chung để ăn. Dùng trong 7-10 ngày.
Chữa xuất tinh sớm: Nấm rơm 100g, tôm nõn 50g, rau dền 30g, các gia vị: mì chính, dầu ăn, hành, bột canh… vừa đủ. Các nguyên liệu trên nấu thành canh hoặc xào dùng trong các bữa ăn. Mỗi tháng nên thực hiện trong 10-15 ngày.
Nhiệt độ bảo quản nấm rơm chuẩn
Theo nhiều chuyên gia, nhiệt độ bảo quản nấm rơm là rất quan trọng. Nó là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian bảo quản nấm. Cụ thể như sau:
- Nhiệt độ thấp hơn 0 độ C: Nấm rơm có thể giữ trên 2 tuần, song khi đem làm ẩm thì lại dễ bị nhũn và nhanh hỏng, không giữ được hương vị vốn có.
- Nhiệt độ từ 4 – 6 độ C: Nấm hư hỏng cực nhanh.
- Nhiệt độ từ 10 – 15 độ C: Để nấm ở túi PVC đục lỗ nhỏ có thể giữ được đến tận 4 ngày.
- Nhiệt độ 20 độ C: Thời gian bảo quản lâu hơn từ 4 – 6 độ C nhưng lại ngắn hơn mức 10 – 15 độ C.
- Nhiệt độ 30 độ C: Nấm chỉ sau 1 đêm sẽ nhũn và có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn.
Cách bảo quản trong tủ lạnh
Một trong những cách giúp bảo quản nấm rơm đó là cho nấm vào tủ lạnh với cách này nấm sẽ để được khoảng 4 ngày.
Bước 1: Mua nấm về rửa sạch, để ráo nước.
Bước 2: Cho nấm vào hộp đậy kín và bỏ vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ khoảng 10-15 độ C.
Trong trường hợp bạn ăn trong ngày thì chỉ cần để ở nơi khô ráo là được không cần thiết phải cho vào tủ lạnh.
Cách bảo quản nấm rơm – Ngâm ngâm với nước muối
Bảo quản nấm rơm tươi với nước muối cũng là một cách làm khá hiệu quả. Bạn có thể tiến hành theo các bước dưới đây để lưu giữ độ tươi ngon và chất dinh dưỡng cho nấm rơm nhé.
- Bước 1: Bạn rửa sạch nấm rơm để loại bỏ bụi bẩn cũng như các phần nấm bị hư, thối…
- Bước 2: Bạn cho nước vào nồi, cho thêm 1 chút muối hạt, khuấy đều lên cho muối tan rồi đun cho sôi. Khi nước sôi, bạn cho nấm rơm vào chần sơ để các tế bào trong nấm ngừng hoạt động.
- Bước 3: Sau đó, bạn nhanh tay vớt nấm rơm ra và ngâm trong nước lạnh khoảng 5 phút.
- Bước 4: Tiếp đến, bạn ướp nấm rơm với chút muối để nước trong nấm bị rút hết.
- Bước 5: Cuối cùng, bạn để nấm ráo nước rồi cho vào hũ ngâm cùng nước muối ở nồng độ 20 – 30% là được.
Với cách làm này, thỉnh thoảng bạn nên kiểm tra để xem màu nước ngâm nấm có bị đục không nhé. Nếu nước ngâm nấm bị đục, bạn nên thay nước mới. Nếu thực hiện đúng phương pháp thì bạn có thể giữ nấm trong vòng 1 tháng đấy nhé.
Cách bảo quản nấm rơm bằng cách phơi, sấy khô
Phơi hoặc sấy khô nấm rơm tươi cũng là một cách bảo quản nấm lâu dài, hiệu quả.
- Bước 1: Khi mua nấm về, bạn rửa sạch rồi chẻ nấm ra làm đôi.
- Bước 2: Mang nấm ra phơi nắng nếu (hoặc sấy) ngày đầu nấm chưa khô thì đem cất đi tới ngày hôm sau nắng lại đem ra phơi thêm. Còn nếu bạn đem nấm đi sấy khô thì nên sấy ở nhiệt độ khoảng 40 – 43 độ. Với cách làm này bạn có thể bảo quản nấm tới 6 tháng.
Tổng kết
Nấm rơm luôn là thực phẩm ngon, bổ mà mọi người nên thường xuyên sử dụng trong các bữa cơm hằng ngày. Còn cách bảo quản nấm rơm chuẩn nhất ra sao thì suckhoevagiadinh.vn đã hướng dẫn chi tiết ở trên. Các chị em học hỏi thêm coi như kinh nghiệm mới nhé!
Nguồn: Tổng hợp