Có vô vàn nguyên nhân gây ra viêm họng nên cũng có rất nhiều cách trị đau họng khác nhau. Tuy nhiên, trước khi bạn biết rõ nguyên nhân và có cách điều trị viêm họng phù hợp, hãy áp dụng các phương pháp tự nhiên, đơn giản để cải thiện nhanh cơn đau họng nhé. Cùng suckhoevagiadinh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Súc miệng với nước muối ấm giảm đau họng
Khi bị viêm họng, bạn nên súc miệng với nước muối ấm để ức chế vi khuẩn, virus có hại, loại bỏ dị nguyên, làm dịu niêm mạc và cải thiện tình trạng sưng đau cổ họng. Bên cạnh đó, nước muối ấm còn có tác dụng làm loãng đờm, giảm ho và khắc phục triệu chứng sưng nóng ở hầu họng.
Áp dụng mẹo chữa này không chỉ làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng mà còn hạn chế tình trạng nhiễm trùng lây lan sang amidan, VA, thanh quản,…
Cách thực hiện:
- Hòa ½ thìa muối với 300ml nước ấm
- Khuấy đều và dùng súc miệng trong khoảng 1 – 3 phút
- Áp dụng mẹo chữa này 2 – 3 lần/ ngày
2. Làm dịu cổ họng và tiêu đờm bằng cách uống đủ nước
Cổ họng bị sưng đau thường đi kèm với tình trạng nóng rát, khô miệng và khó chịu. Để làm giảm các triệu chứng này, bạn nên tăng cường uống nước trong thời gian điều trị.
Uống nhiều nước giúp cân bằng điện giải, bù lượng chất lỏng thất thoát do hiện tượng nhiễm trùng và làm loãng dịch tiết hô hấp. Bên cạnh đó, cung cấp đủ nước cho cơ thể còn cải thiện tình trạng ho khan, ho có đờm, đồng thời nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung một số loại nước ép từ rau xanh và trái cây để cải thiện hệ miễn dịch và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh.
3. Trà mật ong và chanh giúp trị viêm họng
Uống trà mật ong và chanh là mẹo chữa viêm họng tại nhà khá phổ biến và được áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau. Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và làm dịu cổ họng. Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và axit amin có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, ức chế hoạt động của virus và vi khuẩn có hại.
Trong khi đó chanh chứa hàm lượng vitamin C và khoáng chất dồi dào, giúp làm loãng dịch đờm, cải thiện hệ miễn dịch và giảm cơn ho nhanh chóng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị ½ quả chanh và 3 thìa mật ong nguyên chất
- Vắt chanh lấy nước cốt, sau đó cho thêm 200ml nước ấm
- Thêm mật ong vào khuấy đều và uống khi trà còn ấm
- Nếu dùng cho trẻ em, bạn có thể thay thế chanh bằng cam để giảm vị đắng và chua.
4. Giảm viêm họng tại nhà bằng cách dùng gừng tươi
Gừng là loại gia vị quen thuộc, có vị cay, nồng và tính ấm. Chính vì vậy thảo dược này thường được dùng kèm với các thức ăn có tính hàn để kích thích vị giác và hạn chế tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Bên cạnh đó, gừng còn chứa hợp chất Gingerol có tác dụng chống oxy hóa, kháng virus RSV và chống viêm mạnh. Sử dụng gừng tươi có thể cải thiện hiện tượng viêm ở hầu họng, ức chế virus gây nhiễm trùng và giúp tiêu đờm. Hơn nữa, hoạt chất này còn ức chế một số vi khuẩn có hại gây ra bệnh viêm nướu, viêm nha chu và sâu răng.
Cách 1:
- Dùng vài lát gừng tươi và 1 ít muối
- Ngậm trực tiếp đến khi gừng mất hết vị cay
- Nên ngậm đều đặn 3 – 5 lần/ ngày
Cách 2:
- Sử dụng khoảng 1 củ gừng tươi và 4 thìa mật ong
- Xắt gừng thành từng lát mỏng, sau đó đổ thêm 300ml nước đun sôi vào
- Hãm trong khoảng 20 phút rồi hòa mật ong vào
- Uống khi trà còn ấm và có thể ăn kèm lát gừng để tăng tác dụng điều trị
Với những người bị viêm họng do dị ứng, có thể đun sôi gừng với 300ml nước. Sau đó dùng nước gừng súc miệng để loại bỏ dị nguyên và làm dịu niêm mạc hầu họng.
5. Xông hơi với dầu khuynh diệp
Dầu khuynh diệp là tinh dầu được chiết xuất từ cây bạch đàn, thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp, da liễu và hệ tiêu hóa. Nếu viêm họng gây nghẹt mũi, thở khò khè và ho nhiều, bạn có thể xông hơi với dầu khuynh diệp để làm thông thoáng đường thở và tiêu chất nhầy ứ trong hốc mũi.
Bên cạnh đó, tinh dầu khuynh diệp còn chứa thành phần kháng sinh giúp ức chế VRS – virus gây ra bệnh cảm lạnh, cảm cúm và viêm họng.
Cách thực hiện:
- Đun sôi khoảng 2 lít nước và 1 ít dầu khuynh diệp
- Cho tinh dầu vào nước sôi và xông hơi trong khoảng 15 phút
- Sau đó nên thoa dầu khuynh diệp ở cổ để giảm ho và làm ấm phổi
Với trẻ nhỏ, bạn có thể cho tinh dầu vào nước tắm để giảm ho, đau họng và sổ mũi. Ngoài tác dụng đối với hệ hô hấp, dầu khuynh diệp còn giúp giảm ngứa da ở trẻ khi thời tiết chuyển lạnh.
6. Cam thảo giảm ho có đờm do viêm họng
Cam thảo là vị thuốc quý trong Đông Y, thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh liên quan đến dạ dày và hô hấp. Các nghiên cứu cho thấy, hoạt chất axit glycyrrhizic trong thảo dược này có tác dụng ức chế virus, vi khuẩn gây nhiễm trùng và kích thích phế quản sản sinh đờm.
Việc sản sinh dịch tiết hô hấp mới có thể làm giảm độ đặc quánh của đờm và giúp cơ thể dễ dàng loại bỏ đờm ứ ra bên ngoài. Hơn nữa cam thảo còn chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, có tác dụng nâng cao thể trạng và tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Cách dùng cam thảo trị viêm họng tại nhà:
- Chuẩn bị cam thảo nam và vỏ rễ cây dâu 15g, lá bồng bồng 10g
- Sắc uống ngày dùng 1 thang
- Dùng liên tục cho đến khi triệu chứng thuyên giảm
Ngoài ra bạn có thể dùng trà cam thảo để cải thiện tình trạng đau họng và ho kéo dài:
- Hãm khoảng 5g cam thảo phơi khô với 300ml nước đun sôi
- Để trong khoảng 20 – 30 phút rồi dùng trà khi còn ấm
- Có thể nhai rễ cam thảo để tăng tác dụng giảm đau họng, long đờm và cải thiện cơn ho
7. Nhai lá bạc hà giúp giảm đau họng và làm loãng đờm
Dùng lá bạc hà chữa viêm họng là mẹo điều trị khá quen thuộc. Bạc hà chứa menthol – hoạt chất có tác dụng làm mát niêm mạc hầu họng, giảm đau và chống viêm.
Bên cạnh đó thảo này còn chứa axit rosmarinic có khả năng chống dị ứng và hạn chế bùng phát cơn hen cấp. Do đó mẹo nhai lá bạc hà thường được áp dụng cho người bị viêm họng do nhiễm virus hoặc dị ứng thời tiết, nấm mốc và phấn hoa.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 1 ít lá bạc hà tươi
- Ngâm rửa với nước muối và để ráo
- Nhai trực tiếp lá bạc hà, nuốt nước và nhả bã
Nếu khó chịu khi áp dụng mẹo chữa này, bạn có thể xông hơi hoặc uống trà bạc hà để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm họng.
8. Dùng vỏ quýt trị viêm họng và ho kéo dài
Vỏ quýt (trần bì) là vị thuốc quý thường được nhân dân dùng để chữa chứng đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa và các chứng bệnh ở đường hô hấp trên như cảm lạnh, viêm phế quản và viêm họng.
Các hoạt chất hóa học trong vỏ quýt như Limonene và alpha Terpinene có tác dụng tăng dịch tiết và kích thích niêm mạc hô hấp nhằm làm giảm độ đặc dính của đờm và giúp cơ thể dễ dàng phóng thích đờm ra bên ngoài.
Hơn nữa trần bì còn có tác dụng ức chế sự phát triển của tụ cầu khuẩn, ái huyết, trực khuẩn dung huyết và chống dị ứng. Do đó bạn có thể dùng vỏ quýt để cải thiện tình trạng viêm họng gây ho kéo dài, mất tiếng và khàn giọng.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị vỏ quýt tươi, gừng tươi và 1 ít mật ong
- Đem nguyên liệu rửa sạch, sau đó cạo lớp vỏ quýt bên ngoài và xắt gừng tươi thành sợi
- Cho tất cả vào chén rồi thêm mật ong vào
- Hấp cách thủy trong khoảng 10 – 15 phút
- Đem ra để nguội rồi dùng ăn cả nước lẫn cái
Khi áp dụng mẹo chữa viêm họng tại nhà bằng vỏ quýt, bạn nên giữ ấm cơ thể và hạn chế uống đồ lạnh để tránh làm giảm tác dụng điều trị và khiến bệnh kéo dài dai dẳng.
Xem thêm: 10 cách hạ sốt tức thì ngay tại nhà
9. Chữa viêm họng tại nhà với hành tây
Bên cạnh các mẹo chữa trên, bạn cũng có thể dùng hành tây để giảm các triệu chứng viêm họng ngay tại nhà. Củ hành chứa đến 25 thành phần chống oxy hóa, có tác dụng giảm viêm sưng và nâng cao hệ miễn dịch.
Bên cạnh đó, hành tây còn ức chế và kiểm soát một số vi khuẩn thường gặp. Do đó áp dụng mẹo chữa này thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ bội nhiễm đường hô hấp và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan rộng.
Cách dùng hành tây trị viêm họng:
- Chuẩn bị ½ củ hành tây tươi và 1 ít đường phèn
- Cắt hành tây làm bốn rồi cho vào chén
- Thêm đường phèn vào và hấp trong khoảng 15 phút
- Chắt lấy nước uống giúp làm dịu cổ họng và cải thiện các triệu chứng khó chịu
Nên áp dụng mẹo chữa viêm họng tại nhà bằng hành tây 2 – 3 lần/ ngày, liên tục trong vài ngày cho đến khi triệu chứng của bệnh giảm hẳn.
10. Cải thiện bệnh viêm họng bằng tỏi
Tỏi có dược tính đa dạng nên không chỉ được dùng trong chế biến món ăn mà còn được tận dụng để chữa các bệnh lý thường gặp. Trong đó phần lớn tác dụng của loại gia vị này đều bắt nguồn từ hoạt chất allicin. Allicin là hoạt chất không ổn định, chỉ xuất hiện sau khi nhai hoặc nghiền nát, có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm mạnh.
Bên cạnh đó, tỏi còn chứa một số thành phần tốt cho sức khỏe như s-allyl cysteine và diallyl disulfide. Các thành phần trong gia vị này giúp tăng cường miễn dịch, ức chế vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng và giảm viêm ở niêm mạc hô hấp.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 củ tỏi tươi
- Đem nướng trong khoảng 15 – 20 phút
- Sau đó bóc vỏ và dùng ăn trực tiếp
- Nên dùng 1 củ tỏi/ ngày cho đến khi bệnh thuyên giảm hẳn
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung các món ăn từ tỏi để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng và nâng cao thể trạng.