Huyết áp là một thông số cho biết tình trạng sức khỏe. Huyết áp tăng đột ngột ít nhiều đều gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Do đó nhận biết và có cách xử trí khi bị tăng huyết áp đột ngột sẽ giúp mọi người có cách ứng phó phù hợp để giữ huyết áp ổn định, từ đó bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân. Hãy cùng suckhoevagiadinh.vn tìm hiểu những lưu ý khi cấp cứu cao huyết áp tại nhàngay sau đây nhé.
Khi nào cần cấp cứu tăng huyết áp?
Có những trường hợp huyết áp tăng cao đột ngột được coi là một tình huống tăng huyết áp kịch phát và cần được sơ cứu ngay lập tức. Đó là khi huyết áp tâm thu tăng trên 180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương tăng trên 120mmHg. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân có thể có dấu hiệu tổn thương cơ quan trong cơ thể như: đau tức ngực, khó thở, đau lưng, tê yếu tay chân, nhìn mờ, hoa mắt, đau đầu, chóng mặt, bất tỉnh hoặc khó nói… hoặc không.
Nếu không tổn thương cơ quan, bệnh nhân chỉ cần xử trí tại nhà theo hướng dẫn phía dưới. Nếu có tổn thương cơ quan, bệnh nhân cũng cần được cấp cứu cao huyết áp tại nhà trước khi có xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Bởi việc chậm trễ có thể gây nguy hiểm tính mạng, thậm chí dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhồi máu cơ tim, suy thận, suy tim, phù phổi cấp, mất trí nhớ, đột quỵ.
Cách sơ cứu người bị cao huyết áp theo từng trường hợp
Triệu chứng nhẹ, người bệnh còn tỉnh táo
Đối với những bệnh nhân bị cao huyết áp mãn tính, có đôi khi họ gặp phải tình trạng tăng huyết áp khẩn cấp. Tức là huyết áp tăng lên 180/120mmHg nhưng không có biểu hiện tổn thương cơ quan đích. Một số triệu chứng họ thường gặp do huyết áp tăng cao là cảm thấy choáng váng, chóng mặt và không thể đứng vững nhưng vẫn còn khả năng nhận thức, tỉnh táo và có thể nói chuyện được.
Trong trường hợp này, các bác sĩ tim mạch vẫn khuyên rằng không nên xem nhẹ mà hãy cho bệnh nhân nằm lên giường và nghỉ ngơi, hạn chế đi lại. Sau đó, tiến hành đo huyết áp 15 phút một lần và liên hệ ngay với bác sĩ để họ hướng dẫn dùng thuốc phù hợp. Rất hiếm khi nào bệnh nhân phải nhập viện điều trị.
Bệnh nhân bị bất tỉnh hoặc đột quỵ
Một số bệnh nhân cao huyết áp xuất hiện các triệu chứng tổn thương não, có thể là xây xẩm, chóng mặt, dẫn đến bất tỉnh. Cách cấp cứu cao huyết áp tại nhà lúc này là hãy để bệnh nhân nằm yên tại chỗ, nghiêng người qua một bên và nâng đầu lên cao khoảng 30 độ để giảm nguy cơ trào ngược và nôn mửa. Tránh việc lay người hay di chuyển bệnh nhân bởi dễ làm cho huyết áp càng tăng và nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng cao hơn.
Cuối cùng là gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện một cách an toàn.
Cấp cứu cao huyết áp tại nhà khi bệnh nhân bị khó thở, đau tức ngực
Khi huyết áp tăng quá đột ngột, bệnh nhân có thể bị tổn thương tim, dẫn tới suy tim cấp, nhồi máu cơ tim với các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở và té ngã. Việc sơ cứu người cao huyết áp lúc này vẫn là để bệnh nhân nằm yên tại chỗ, tránh tiếng ồn. Người thân không nên xoa bóp ngực hay nắn bóp tay chân. Đồng thời hãy giúp bệnh nhân nới lỏng quần áo và gọi cấp cứu để đưa đến bệnh viện gần nhất.
Ngoài ra, trong các trường hợp kể trên, người nhà nên mở rộng cửa, giải tán đám đông để tránh ồn ào và cho bệnh nhân có không gian thở.
Những việc không nên làm khi cấp cứu cao huyết áp tại nhà
- Không nên để bệnh nhân nói chuyện nhiều vì không chỉ ảnh hưởng đến thanh quản mà cũng có thể làm huyết áp tăng cao thêm.
- Nếu bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ không nên cho họ ăn hay uống bất kỳ thứ gì, đặc biệt là cà phê hay thức uống có cồn.
- Không được tự ý cho người bệnh uống thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Vì nếu dùng phải loại thuốc hạ huyết áp nhanh, mạnh có thể gây tổn thương các cơ quan do giảm tưới máu đột ngột.
- Sau các bước sơ cứu, hãy bình tĩnh đợi xe cấp cứu, không tác động vào bệnh nhân dễ khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về các bước cấp cứu cao huyết áp tại nhà trong từng trường hợp trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Điều trị tăng huyết áp có thể bao gồm nhập viện để dùng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch.