Sau khi bị ong đốt, cần xử lý như thế nào để không bị sưng, đau là những câu hỏi rất được mọi người quan tâm. Các trường hợp bị ong đốt đa số là nhẹ vì các vết đốt không nhiều, độc tính trong con ong cũng không quá cao. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do bị ong đốt vì không biết cách sơ cứu, chữa trị kịp thời. Vậy làm sao để xử lý khi bị ong đốt? Tham khảo bài viết sau của suckhoevaiadinh.vn nhé!
Các loại ong thường gặp
Ong thuộc họ cánh màng gồm 2 họ chính:
- Họ ong vò vẽ bao gồm: ong vò vẽ, ong bắp cày, ong vàng.
- Họ ong mật gồm ong mật và ong bầu.
Bộ phận gây độc gồm túi nọc và ngòi nằm ở phần bụng sau của con cái. Ngòi của ong mật có hình răng cưa do vậy sau khi đốt ong bị rách phần bụng và để lại ngòi ong trên da và con ong sẽ bị chết. Ong vò vẽ thì ngòi ong trơn nên có thể đốt nhiều lần.
Nọc ong có khoảng 40 thành phần bao gồm:
- Các enzyme: gây phản ứng dị ứng (ngứa, đỏ, sưng nề,…), vỡ hồng cầu, phá hủy liên kết mô làm nọc ong lan nhanh.
- Các peptit hủy tế bào mast (dưỡng bào): giải phóng các chất gây phản ứng viêm.
- Apamin: độc tố thần kinh tác động chủ yếu lên tủy sống.
- Melittin: chiếm 50% trọng lượng của nọc khô, làm tổn thương màng tế bào do có tác dụng như một chất tẩy.
Mức độ nặng phụ thuộc vào loại ong, số nốt đốt và vị trí đốt. Ở người lớn bị ong vò vẽ đốt từ trên 30 vết đốt trở lên là nặng, trẻ em bị 10 nốt đốt trở lên là nặng.
Xử trí sau khi bị ong đốt
Nếu bạn bị 1 vết đốt và không có các triệu chứng dị ứng thì bạn có thể chỉ cần thực hiện những điều sau:
- Rút nọc ong ra ngay lập tức. Lưu ý: nên sử dụng nhíp để rút nọc ong hoặc tấm thẻ để cạo nọc, không nặn vết đốt để tránh làm nọc độc lan rộng.
Chườm đá tại vết thương để giảm nhẹ các triệu chứng. Chườm 20 phút trong mỗi giờ cho đến khi vị trí đốt bớt sưng và đau. Nên bọc đá vào khăn hoặc miếng vải để tránh đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da gây nên hiện tượng bỏng lạnh.
Sử dụng thuốc kháng histamin dạng kem bôi (ví dụ: Phenergan) hoặc thuốc uống (Ví dụ: Clarityne, Aerius…) giúp giảm ngứa và giảm sưng.
- Uống thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để giảm đau (nếu cần).
- Rửa sạch vùng da bị đốt bằng nước và xà phòng. Bôi kem corticoid vào vết đốt giúp giảm đỏ, ngứa và sưng.
- Nếu bạn tiêm uốn ván hơn 10 năm trước hoặc không rõ về việc tiêm phòng này, bạn có thể cần tiêm mũi nhắc lại.
Xem thêm: Các thực phẩm giúp vết thương nhanh lành
Những trường hợp ong đốt cần tới cơ sở y tế
- Có những phản ứng dị ứng ở mức độ trung bình đến nặng như: nổi mẩn toàn thân, đau ngực, khó thở, khó nuốt, nổi mề đay, sưng nề rộng hoặc sưng nề các vùng khác ngoài vết đốt, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng,…
- Bị nhiều vết đốt (10 – 20 vết) mà không cần có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng.
- Bị ong đốt trong miệng hoặc họng bởi nguy cơ cao gây phù nề hầu họng và co thắt thanh quản gây khó thở cấp.
- Bị ong đốt vào vùng quanh mắt hoặc mi mắt có thể gây đục màng trước thuỷ tinh thể, viêm mống mắt, áp xe thuỷ tinh thể, thủng nhãn cầu, tăng nhãn áp, rối loạn khúc xạ.
Dự phòng ong đốt và những biến chứng nghiêm trọng do nọc ong
- Với những người có tiền sử dị ứng nên chuẩn bị thuốc dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi vào rừng không nên xịt nước hoa, trang điểm và mặc quần áo sặc sỡ hoặc quần áo in hình những bông hoa vì sẽ hấp dẫn ong.
- Khi đi dã ngoại thì lưu ý những đồ ăn, nước uống ngọt cũng lôi kéo ong đến.
- Không đi chân không vào rừng vì có thể dẫm phải tổ ong.
- Nếu có ong vò vẽ bay quanh thì bạn nên bình tĩnh, hít thở sâu vì ong đang khám phá bạn có phải là bông hoa không, hay là một cái gì có ích cho nó, nếu nó phát hiện là người thì ong sẽ bay đi.
- Không chọc phá tổ ong.
- Khi trong nhà hoặc ngoài vườn có tổ ong thì bạn nên nhờ người có kinh nghiệm để dỡ bỏ tổ ong.