Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, nước ta có gần 183.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó bệnh ung thư vú là 21.555 người mắc chiếm tỷ lệ 11,8%. Ngoài ra cũng trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 9.345 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đây thực sự là con số đáng lo ngại, bởi ung thư vú cũng là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới, là mối quan tâm của nhiều chị em phụ nữ.
Nếu như trước đây, người mắc ung thư vú thường gặp ở độ tuổi trên 40 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Hãy cùng suckhoevagiadinh.vn tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
Các triệu chứng của ung thư vú là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư vú có thể gồm:
- Thay đổi về kích thước, hình dáng và vẻ ngoài của vú
- Những thay đổi của lớp da vú, như vết lõm da
- Núm vú thụt vào trong trong khoảng thời gian gần đây
- Lột da, đóng vảy hoặc bong tróc vùng da đậm màu xung quanh núm vú (quầng vú) hoặc lớp da vú.
- Lớp da vú bị đỏ hoặc bị lõm, tương tự như “da quả cam”
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bệnh nhân phát hiện một khối u hoặc những thay đổi bất thường trong vú của bệnh nhân – ngay cả khi kết quả chụp nhũ ảnh gần nhất là bình thường – hãy đặt hẹn khám với bác sĩ của bệnh nhân để được đánh giá kịp thời.
Nguyên nhân gây Ung thư vú là gì?
Nguyên nhân gây ung thư vú chưa được xác định. Các bác sĩ biết rằng ung thư vú xảy ra khi các tế bào ở vú bắt đầu tăng sinh bất thường. Các tế bào này phân chia nhanh hơn các tế bào bình thường và tiếp tục tích tụ, hình thành khối u. Các tế bào có thể lây lan (di căn) từ vú đến các hạch bạch huyết hoặc đến các bộ phận khác trong cơ thể.
- Ung thư vú thường bắt đầu ở các tế bào trong ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm lấn). Ung thư vú cũng có thể bắt đầu ở trong mô tuyến còn gọi là trong tiểu thùy tuyến vú (ung thư biểu mô tiểu thùy tuyến vú xâm lấn) hoặc trong tế bào hay mô khác nằm bên trong vú.
- Các nhà nghiên cứu đã xác định các yếu tố về nội tiết tố, lối sống và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nhưng hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao ung thư vú lại phát triển ở một số người không có các yếu tố nguy cơ, còn một số người khác có các yếu tố nguy cơ nhưng không mắc bệnh. Có khả năng ung thư vú được gây ra bởi sự tương tác phức tạp giữa cấu trúc di truyền và môi trường sống.
Đọc thêm: Tìm hiểu về bệnh đa nang buồng trứng
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vú?
Yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú là bất kỳ yếu tố nào làm cho bệnh nhân có nhiều khả năng bị ung thư vú. Nhưng có một hay thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú không có nghĩa là bệnh nhân sẽ bị ung thư vú. Nhiều phụ nữ bị ung thư vú mà không nhận biết được có yếu tố nguy cơ nào ngoài việc đơn giản là một phụ nữ. Các yếu tố có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm:
- Là phụ nữ: Có nhiều khả năng phát triển ung thư vú ở phụ nữ hơn ở nam giới.
- Gia tăng tuổi tác: Nguy cơ ung thư vú gia tăng theo độ tuổi
- Tiền sử bản thân về ung thư vú: Nếu bệnh nhân đã từng bị ung thư ở một bên vú, bệnh nhân sẽ dễ có nguy cơ bị ung thư ở bên vú còn lại.
- Tiền sử gia đình về ung thư vú: Nếu mẹ, chị hoặc con gái của bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư vú, đặc biệt là khi còn trẻ, nguy cơ ung thư vú của bệnh nhân sẽ tăng. Tuy nhiên, đa số người được chẩn đoán bị ung thư vú không có tiền sử gia đình mắc bệnh này.
- Gen bệnh lý nhận được qua di truyền làm tăng nguy cơ ung thư: Một số đột biến gen làm tăng nguy cơ ung thư vú có thể truyền từ cha mẹ sang con. Các đột biến gen thường gặp nhất được đề cập ở đây là BRCA1 và BRCA2. Các gen này có thể gia tăng đáng kể nguy cơ ung thư vú và các loại ung thư khác, nhưng các gen này không làm cho ung thư chắc chắn xảy ra.
- Phơi nhiễm bức xạ: Nếu bệnh nhân có điều trị bức xạ vùng ngực khi còn nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi, nguy cơ ung thư vú của bệnh nhân sẽ tăng.
- Béo phì: Nguy cơ bị ung thư vú gia tăng ở người béo phì
- Bắt đầu thời kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi nhỏ hơn: bắt đầu kinh nguyệt trước 12 tuổi làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Bắt đầu thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn thông thường: Nếu bệnh nhân bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi lớn hơn hơn thông thường thì bệnh nhân có khả năng bị ung thư vú nhiều hơn
- Có con đầu tiên ở độ tuổi lớn hơn hơn thông thường: Phụ nữ sinh con đầu tiên sau 35 tuổi có nguy cơ ung thư vú cao hơn.
- Chưa từng mang thai: Phụ nữ chưa từng mang thai có nguy cơ ung thư vú cao hơn những phụ nữ đã từng mang thai một hoặc hai lần.
- Liệu pháp nội tiết tố sau mãn kinh: Phụ nữ sử dụng thuốc nội tiết tố có kết hợp estrogen và progesterone nhằm điều trị các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh có nguy cơ ung thư vú tăng lên. Nguy cơ ung thư vú sẽ giảm đi khi phụ nữ ngưng dùng các loại thuốc này.
- Uống rượu bia: Uống rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tầm soát
Nghiên cứu đã chứng minh tử vong do ung thư vú giảm đáng kể ở những phụ nữ đã áp dụng các chương trình tầm soát. Các xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư vú để bệnh nhân có thể tiến hành các điều trị kịp thời ít gây xâm lấn hơn, có tiên lượng tốt hơn và có khả năng thành công cao hơn.
Kháo sát hiện nay được áp dụng đối với ung thư vú là: chụp nhũ ảnh (Mammography). Ở nhiều quốc gia, chương trình tầm soát này áp dụng cho dân số cả nước được thực hiện cho những người phù hợp với tiêu chí khảo sát. Bệnh viện FV đã thực hiện chương trình tầm soát ung thư vú dựa trên các hướng dẫn tầm soát ung thư vú của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ.
Chẩn đoán
Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư vú bao gồm:
- Kiểm tra vú: Bác sĩ sẽ kiểm tra cả hai vú và các hạch bạch huyết ở nách, để cảm nhận xem có khối u hay bất thường nào khác hay không.
- Chụp nhũ ảnh: Chụp nhũ ảnh là chụp X-quang của vú. Phương pháp này thường được sử dụng để tầm soát ung thư vú. Nếu phát hiện bất thường trên nhũ ảnh tầm soát, bác sĩ có thể khuyến cáo chụp nhũ ảnh chẩn đoán để đánh giá thêm về bất thường đó.
- Siêu âm vú: Siêu âm sử dụng các sóng âm thanh để cho ra hình ảnh của các cấu trúc sâu bên trong cơ thể. Siêu âm có thể giúp phân biệt giữa một khối u đặc và một u nang chứa đầy dịch lỏng. Siêu âm thường được thực hiện như một phần của việc khám kiểm tra các khối u mới.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Máy MRI sử dụng một nam châm và các sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh bên trong của vú. Trước khi chụp MRI, bệnh nhân sẽ được tiêm một loại thuốc để tạo hình ảnh tương phản.
- Lấy mẫu tế bào vú để đưa đi xét nghiệm (sinh thiết). Mẫu sinh thiết được gửi đến Phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh Hi-Tech (*) nơi mà các chuyên gia sẽ phân tích để xác định các tế bào có bị ung thư hay không. Mẫu sinh thiết cũng được phân tích để xác định loại tế bào nào tương ứng với ung thư vú đang khảo sát, mức độ ác tính (theo cấp độ) của ung thư, và xem tế bào ung thư có thụ thể nội tiết tố hoặc các thụ thể nào khác có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn điều trị của bệnh nhân hay không.
Xác định giai đoạn bệnh
Xác định giai đoạn bệnh là quá trình xác định kích cỡ, vị trí và mức độ lan rộng của khối bướu, thông qua hệ thống phân loại bệnh TNM (khối u – hạch – di căn). Xác định giai đoạn ung thư sẽ giúp nhận định về tiên lượng và về lựa chọn điều trị tốt nhất. Dựa vào các xét nghiệm phù hợp với từng bệnh nhân và từng loại ung thư, chúng tôi mới xác định được chính xác giai đoạn bệnh nhằm đưa ra kế hoạch điều trị.
Thông tin để xác định giai đoạn ung thư có thể chưa được rõ ràng cho đến sau khi bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật ung thư vú.
Các xét nghiệm và khảo sát để xác định giai đoạn ung thư vú có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu: xét nghiệm công thức máu toàn bộ
- Chụp nhũ ảnh của vú còn lại để tìm các dấu hiệu của ung thư
- Chụp MRI vú
- Chụp xạ hình xương
- Chụp CT cắt lớp điện toán (CT scan)
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET scan)
Không phải tất cả phụ nữ đều cần thực hiện toàn bộ các xét nghiệm và khảo sát này. Bác sĩ của bệnh nhân sẽ chọn lựa các xét nghiệm thích hợp dựa vào từng trường hợp cụ thể, có xét đến các triệu chứng mới xuất hiện .
Điều trị
Bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị dựa vào loại ung thư vú, giai đoạn và mức độ ung thư, kích thước, và tính nhạy cảm của các tế bào ung thư với các nội tiết tố. Bác sĩ cũng xem xét đến sức khỏe toàn diện và cách lựa chọn theo mong muốn của bệnh nhân.
Phần lớn bệnh nhân sẽ trải qua phẫu thuật khi bị ung thư vú và sẽ được điều trị bổ sung trước hoặc sau khi phẫu thuật như: hóa trị, liệu pháp nội tiết tố hoặc xạ trị.
Tại bệnh viện FV, tất cả các trường hợp ung thư đều được đưa ra thảo luận tại các cuộc hội chẩn đa chuyên khoa hàng tuần, với sự tham gia của các chuyên gia ung bướu của trung tâm Hy Vọng, cùng với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và các phẫu thuật viên từ nhiều chuyên khoa khác nhau. Tất cả các điều trị tại đây đều dựa trên Y học Chứng cứ. Điều đó có nghĩa là tất cả các quyết định điều trị đều dựa trên các hướng dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế và những phương thức điều trị đã được các chuyên gia ung bướu và các tổ chức y khoa hàng đầu thế giới chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Tại Trung tâm Hy Vọng, chúng tôi luôn thông tin cho bệnh nhân và thân nhân về từng giai đoạn của quá trình điều trị, và khi bệnh nhân và thân nhân còn băn khoăn hay có câu hỏi về việc điều trị, chúng tôi sẽ mời họ trao đổi trực tiếp với các bác sĩ liên quan vào bất kỳ lúc nào.
Phẫu thuật
Các phẫu thuật được thực hiện để điều trị ung thư vú bao gồm:
- Cắt bỏ ung thư vú (phẫu thuật bảo tồn): Trong phẫu thuật bảo tồn, có thể được xem như phẫu thuật giữ lại tối đa mô vú, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ khối u và một mép nhỏ xung quanh các tế bào khỏe mạnh. Phẫu thuật bảo tồn thường dành cho các khối u còn nhỏ.
- Cắt bỏ toàn bộ vú (phẫu thuật đoạn nhũ): Phẫu thuật đoạn nhũ là phẫu thuật cắt bỏ tất cả các mô ở vú. Hầu hết phẫu thuật đoạn nhũ sẽ cắt bỏ tất cả các mô vú – các tiểu thùy, ống dẫn, tế bào mỡ và một ít da, bao gồm cả núm vú và quầng vú (phẫu thuật đoạn nhũ đơn giản).
Với phẫu thuật đoạn nhũ tiết kiệm da, da vú được giữ lại nguyên vẹn nhằm giúp việc tái tạo với hình dạng tốt hơn. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u, núm vú cũng có thể được giữ lại.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện FV có thể thực hiện việc tái tạo vú sau phẫu thuật đoạn nhũ.
- Cắt bỏ hạch bạch huyết với số lượng hạn chế (sinh thiết hạch gác): Để xác định ung thư có lây lan đến các hạch bạch huyết hay không, bác sĩ phẫu thuật sẽ giải thích cho bệnh nhân lý do cần thiết phải cắt bỏ các hạch bạch huyết, là nơi dẫn lưu đoạn đầu mạch bạch huyết gần khối u nhất. Sinh thiết hạch gác bao gồm việc tiêm chất phóng xạ để giúp bác sĩ phẫu thuật xác định vị trí các hạch gác trong khi phẫu thuật. Các hạch gác sẽ được cắt bỏ và phân tích tại phòng xét nghiệm. Nếu các hạch gác không bị ung thư, thì ung thư có khả năng chưa lây lan và việc cắt bỏ thêm các hạch bạch huyết khác nữa là không cần thiết.
- Cắt bỏ nhiều hạch bạch huyết (nạo hạch nách): Nếu ung thư được tìm thấy trong hạch gác, bác sĩ sẽ giải thích cho bệnh nhân về sự cần thiết phải cắt bỏ thêm các hạch bạch huyết khác trong nách.
Xạ trị
- Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao, như tia X-quang, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị thường được thực hiện bằng cách sử dụng một máy lớn để chiếu tia năng lượng vào cơ thể bệnh nhân (tia bức xạ bên ngoài).
- Tia bức xạ bên ngoài thường được sử dụng sau khi phẫu thuật bảo tồn ở giai đoạn đầu ung thư vú. Bác sĩ cũng có thể chỉ định chiếu xạ vào thành ngực sau khi phẫu thuật đoạn nhũ đối với khối u lớn hoặc ung thư vú đã lây lan sang các hạch bạch huyết.
- Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm: mệt mỏi và nổi ban đỏ, giống như bỏng do nắng ở nơi vùng bức xạ chiếu vào. Mô vú có thể thấy sưng lớn hoặc cứng hơn. Tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như: tổn thương tim hoặc phổi hoặc, rất hiếm thấy, ung thư thứ hai trong vùng cơ thể được điều trị.
- Quá trình xạ trị bắt đầu bằng cách xác định chính xác vùng xạ tri, tính liều xạ trị và số lần xạ trị. Tại Trung tâm Hy Vọng, chúng tôi sử dụng máy chụp cắt lớp chuyên biệt, được trang bị hệ thống LAP Sagittal Laser, để thực hiện mô phỏ Dựa vào hình ảnh mô phỏng này, chúng tôi có được hình ảnh của khối bướu trong không gian 3 chiều, phân tích chính xác vị trí và kích thước của nó, từ đó cho phép tính toán đúng liều xạ trị và chùm tia bức xạ thích hợp nhất. Phương pháp này giúp bảo vệ các tế bào và những cơ quan khỏe mạnh lân cận không bị tổn thương, đồng thời giảm thiểu đáng kể các tác dụng phụ.
- Trung tâm Hy Vọng được trang bị một trong các Hệ thống lập kế hoạch điều trị hiện đại nhất hiện nay là Pinnacle 3D ADAC, cho phép các chuyên gia ung bướu tính toán thể tích khối bướu và sự phân bổ liều xạ trị một cách hiệu quả và an toàn nhất.
- Những thông tin thu được từ bước này được truyền trực tuyến qua máy tính đến máy gia tốc tuyến tính Elekta Precise Digital Accelerator (nhằm tránh những lỗi do con người gây ra). Đây là máy phát ra những bức xạ có năng lượng cao theo phương thức kép để tiêu diệt khối bướu.
- “Các Khối Che Bằng Hợp Kim Dễ Nóng Chảy” được thiết kế riêng và phù hợp với từng bệnh nhân nhằm bảo vệ những tế bào và cơ quan khỏe mạnh lân cận (về cơ bản đây là thiết bị hỗ trợ bảo vệ cơ thể bệnh nhân), và hệ thống xử lý hình ảnh số iView GT Portal Imaging cho thấy hình ảnh thực khi tia phóng xạ đi vào trong cơ thể bệnh nhân nhằm xác định chính xác vị trí xạ trị (nếu bệnh nhân không được đặt đúng vị trí, kỹ thuật viên xạ trị sẽ chỉnh sửa tư thế bệnh nhân để đảm bảo độ chuẩn xác của tia xạ).
Hóa trị
- Hóa trị sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu ung thư có nguy cơ tái phát cao hoặc lây lan sang các phần khác của cơ thể, bác sĩ có thể khuyến cáo hóa trị để giảm thiểu khả năng ung thư tái phát. Đây còn gọi là hóa trị toàn thân hỗ trợ.
- Hóa trị đôi khi được thực hiện trước khi phẫu thuật ở bệnh nhân có khối u lớn. Mục đích là để thu nhỏ kích thước của khối u nhằm dễ dàng cắt bỏ khối u bằng phẫu thuật.
- Hóa trị cũng được thực hiện ở bệnh nhân mà ung thư đã lây lan sang các phần khác của cơ thể. Hóa trị có thể được chỉ định để cố gắng kiểm soát ung thư và giảm bớt các triệu chứng do ung thư gây ra.
- Tác dụng phụ của hóa trị phụ thuộc vào các loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng. Tác dụng phụ thường gặp như: rụng tóc, buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi và gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Tác dụng phụ hiếm gặp có thể là mãn kinh sớm, vô sinh (ở bệnh nhân chưa mãn kinh), tổn thương tim và thận, tổn thương thần kinh, và rất hiếm gặp là ung thư tế bào máu.
- Tất cả các phác đồ điều trị được sử dụng tại Trung tâm Hy Vọng luôn tuân theo các hướng dẫn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
- Hóa trị có thể tiến hành bằng đường uống, truyền vào tĩnh mạch ở cánh tay, hoặc thường gặp là truyền qua buồng tiêm dưới da vào tĩnh mạch trung tâm. Sử dụng buồng tiêm giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn vì bệnh nhân ít bị tiêm kim vào tĩnh mạch, quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn, giảm tác dụng phụ và tối ưu hóa hiệu quả điều trị. Bác sĩ khoa Gây mê – Hồi sức tại bệnh viện FV sẽ thực hiện thủ thuật này trong môi trường vô trùng hoàn toàn.
- Hóa trị được thực hiện tại Khu hóa trị trong ngày với đầy đủ tiện nghi như ghế bành rộng, truyền hình cáp và tạp chí giúp bệnh nhân thư giãn.
- Tất cả các loại thuốc dùng truyền tĩnh mạch đều được một dược sĩ có trình độ chuyên môn pha chế trong một môi trường hoàn toàn vô trùng.
- Tác dụng phụ thường gặp của hóa trị là mệt mỏi, nôn ói, rụng tóc tạm thời và giảm số lượng tế bào máu, mức độ tùy thuộc vào các loại thuốc đã sử dụng và khả năng dung nạp thuốc của từng bệnh nhân. Hiện nay các tác dụng phụ này được kiểm soát tốt hơn.
Liệu pháp nhắm trúng đích
- Khi các nhà nghiên cứu phát hiện được nhiều hơn về các biến đổi gen trong tế bào gây ra ung thư, họ đã tạo ra các loại thuốc mới hơn định hướng chuyên biệt vào các biến đổi gen này. Các thuốc nhắm trúng đích có cơ chế tác dụng khác so với các thuốc hóa trị thông thường. Chúng thường có tác dụng phụ khác biệt hơn (và ít gây khó chịu hơn).
- Khoảng 1 trong 5 bệnh nhân ung thư vú, tế bào ung thư có quá nhiều protein thúc đẩy tăng trưởng được gọi là HER2/neu (hoặc đơn giản là HER2) trên bề mặt tế bào. Ung thư vú với quá nhiều protein này có khuynh hướng tăng trưởng và lan rộng với tính xâm lấn nhiều hơn nếu không có điều trị đặc biệt nào. Một số loại thuốc đã được phát triển nhắm vào đích protein này là Trastuzumab (Herceptin).
- Thuốc Trastuzumab có thể được sử dụng điều trị ung thư vú vào cả hai giai đoạn, giai đoạn sớm và giai đoạn muộn. Khi được sử dụng để điều trị ung thư vú giai đoạn sớm, loại thuốc này thường được sử dụng trong một năm. Đối với các ung thư vú tiến triển nặng hơn (giai đoạn muộn), điều trị không dừng lại sau một năm mà có thể kéo dài hơn.
Liệu pháp nội tiết tố
- Liệu pháp nội tiết tố là một hình thức điều trị toàn thân khác, vốn thường được dùng như là điều trị hỗ trợ nhằm giảm thiểu nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật, nhưng cũng có thể được dùng như một điều trị tân hỗ trợ. Liệu pháp này cũng có thể được dùng để điều trị ung thư khi bị tái phát trở lại sau điều trị hoặc khi đã lan rộng.
- Buồng trứng của phụ nữ là nguồn cung cấp chủ yếu nội tiết tố estrogen cho đến thời kỳ mãn kinh. Sau khi mãn kinh, một lượng ít nội tiết tố vẫn được tế bào mỡ trong cơ thể tạo ra bằng cách biến đổi một loại hóc môn do tuyến thượng thận sản xuất thành estrogen.
- Estrogen thúc đẩy sự phát triển của những ung thư có thụ thể nội tiết tố dương tính (ER+). Khoảng 2/3 ung thư vú có thụ thể nội tiết tố dương tính (ER+).
- Thuốc Tamoxifen ngăn chặn các thụ thể estrogen ở tế bào ung thư. Điều này sẽ dừng việc gắn kết estrogen với tế bào ung thư và ngưng thúc đẩy tế bào tăng trưởng và phân bào. Đối với phụ nữ bị ung thư vú xâm lấn do thụ thể nội tiết tố dương tính (ER+), Tamoxifen có thể được cho sử dụng trong 5 đến 10 năm sau khi phẫu thuật để giảm khả năng ung thư tái phát và giúp bệnh nhân sống lâu hơn. Thuốc cũng làm giảm nguy cơ ung thư mới ở vú còn lại. Đối với ung thư vú giai đoạn đầu, thuốc này được sử dụng chủ yếu cho những phụ nữ chưa mãn kinh.
- Tác dụng thông thường nhất của các loại thuốc này là mệt mỏi, bốc hỏa, khô âm đạo hoặc tiết dịch âm đạo, và thay đổi tâm tính bất thường.
Chăm sóc sau điều trị
Sau khi điều trị kết thúc, bác sĩ vẫn cần tiếp tục theo dõi bệnh của bệnh nhân. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tái khám đủ và đúng hẹn. Trong các lần tái khám này, bác sĩ sẽ hỏi thăm về các vấn đề mà bệnh nhân có thể gặp phải, thăm khám và cho làm các xét nghiệm, hoặc chụp X-quang và chụp xạ hình để tìm các dấu hiệu của ung thư và tác dụng phụ của điều trị.
* Hướng dẫn tầm soát ung thư vú của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ
- Phụ nữ bắt đầu từ độ tuổi 40 cần chụp nhũ ảnh hằng năm và duy trì liên tục khi sức khỏe vẫn còn tốt.
- Thăm khám vú 3 năm một lần ở phụ nữ có độ tuổi 20 và 30 và mỗi năm một lần ở phụ nữ có độ tuổi 40 hoặc lớn hơn.
- Phụ nữ nên biết cách nhìn và cách sờ nắn vú bình thường như thế nào, và thông báo ngay với bác sĩ về bất kỳ sự thay đổi nào của vú. Phụ nữ bắt đầu ở độ tuổi 20 cần biết cách tự khám vú.
- Một vài phụ nữ – vì tiền sử gia đình, khuynh hướng di truyền hoặc một số yếu tố khác – nên được tầm soát thêm bằng MRI ngoài việc chụp nhũ ảnh (số phần trăm phụ nữ nằm vào trường hợp này nhỏ: ít hơn 2%). Trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh và liệu bệnh nhân có cần xét nghiệm bổ sung nào khác khi ở độ tuổi còn trẻ hay không.