Việc cung cấp các món đồ chơi cho trẻ em không những giúp tay chân con yêu được vận động linh hoạt hơn mà còn kích thích não bộ phát triển toàn diện. Hiểu được tầm quan trọng ấy, nếu đang phân vân không biết lựa chọn món đồ chơi nào phù hợp với độ tuổi của con thì bạn đừng bỏ qua những thông tin trong bài viết sau của suckhoevagiadinh.vn.
1. Đồ chơi cho trẻ 1 tuổi (trẻ mới tập đi)
Một tuổi là thời điểm quan trọng đối với trẻ nhỏ, vì lúc này, con đã có thể thu thập dữ liệu, đi bước nhỏ, vẫy tay chào, vỗ tay… Ở giai đoạn này, bé cũng đã phát triển khả năng nhận thức và có thể phân biệt mọi thứ bằng màu sắc. Lúc này, ngoài việc chơi những khối xếp hình nhiều màu thì những món đồ chơi có thể kéo hoặc có nút bấm cũng rất có ích với bé. Bố mẹ nên chọn đồ chơi cho bé càng đơn giản càng tốt vì chúng sẽ giúp bé tự lực làm mọi việc và kích thích trí tưởng tượng của bé hơn.
2. Trẻ nhỏ (24 – 36 tháng)
♦ Đồ chơi cho trẻ em: Bảng chữ cái và số
Giai đoạn bé biết đi cũng là lúc bé đã sẵn sàng cho việc học. Nhưng nếu bạn dạy bé học bằng cách thông thường có khi lại phản tác dụng vì chúng rất khô khan, khả năng con yêu từ chối tiếp nhận kiến thức là rất cao. Vì vậy, bạn hãy mua cho bé một bảng chữ cái hoặc chữ số cơ bản, sau đó dạy cho bé học bằng cách cầm chữ cái lên và chỉ cho bé đây là chữ A, chữ B… Bằng cách này, việc làm quen với chữ cái và con số của bé sẽ trở nên thú vị và dễ dàng hơn rất nhiều.
Nếu muốn trẻ giỏi toán, hãy cho bé chơi với một số đồ chơi phân loại. Hoạt động phân loại này sẽ giúp phát triển các kỹ năng toán học của bé ngay từ khi con còn rất nhỏ, vì bé có thể tiếp xúc với toán học trong khi bé phân loại đồ chơi. Ngoài ra, đồ chơi này còn giúp bé nhận biết hình dạng, kích cỡ và phát triển kỹ năng sống cho trẻ.
♦ Đồ chơi cho trẻ em: Đồ chơi âm nhạc
Bạn hãy cho bé bước vào thế giới âm nhạc bằng cách tặng cho con một món đồ chơi có phát những bài hát liên quan đến bảng chữ cái, màu sắc hoặc con số, như bài hát ABC chẳng hạn. Âm nhạc sẽ giúp kích thích ngôn ngữ, thính giác và khả năng cảm thụ nhịp điệu của con. Hơn thế nữa, đồ chơi âm nhạc còn giúp kích thích các giác quan của bé để con có thể vừa học vừa chơi thật vui.
3. Đồ chơi cho bé từ 3 – 6 tuổi
Bé từ 3 – 6 tuổi đã có sự phát triển gần như đầy đủ về trí tuệ, cảm xúc, trẻ nói sõi, nghe hiểu những gì cha mẹ nói mỗi ngày, nhu cầu khám phá thế giới xung quanh của trẻ vô cùng mạnh mẽ. Đây là giai đoạn thích hợp để giúp trẻ kích thích sự sáng tạo, tư duy logic, khả năng xử lý các vấn đề đơn giản trong cuộc sống.
– 3 tuổi cũng được xem là thời điểm vàng để trẻ học ngôn ngữ thứ hai ngoài tiếng mẹ đẻ, do đó bố mẹ hoàn toàn có thể chọn đồ chơi có kết hợp ngôn ngữ tiếng Anh để trẻ vừa học vừa chơi nhé! Đồ chơi cho trẻ độ tuổi này cha mẹ nên chọn những món đồ mô phỏng lại cuộc sống như đồ chơi bác sĩ, đồ chơi nấu ăn,…
– Khi bé đã ở tầm 4 – 5 tuổi, bé đã lớn, không còn hứng thú với những đồ chơi có tính chất đơn giản nữa, thay vào đó trẻ cần món đồ chơi có thể cử động được, ví dụ như búp bê thì nó phải cử động mắt, tay chân hoạt động được hoặc bé tự thay quần áo cho đồ chơi được, bút chì, giấy vẽ,…
– Khi trẻ bước vào giai đoạn 5 – 6 tuổi, bố mẹ nên ưu tiên cho những đồ chơi giúp bé phát huy trí thông minh và óc sáng tạo như đất sét, đồ chơi xếp hình, tranh động vật, trò chơi điện tử, đồ chơi Lego,…
4. Đồ chơi cho trẻ em từ 7 – 10 tuổi
Đây được xem là giai đoạn chuyển giao cực kỳ quan trọng giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, trẻ sắp bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi tâm sinh lý mạnh mẽ. Ở giai đoạn 7 – 10 tuổi, tính cách của trẻ cũng đã hình thành tương đối rõ ràng, bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện, làm bạn cùng con để hiểu con thích gì ở giai đoạn này và chọn đồ chơi theo nhu cầu của trẻ.
Khi con bạn bước vào lứa tuổi này chúng sẽ có nhu cầu khám phát thế giới cực kỳ mạnh mẽ, chúng sẽ thường yêu thích những món đồ đặc trưng về giới tính, bé gái rất thích thú bông, gối ôm, búp bê, các bộ sưu tập hoạt hình,… trong khi bé trai sẽ thích các đồ chơi trí tuệ, siêu nhân, xe, máy bay, đồ chơi mô hình, trò chơi thách đố như bài uno, rút gỗ,…
Bên cạnh chọn đồ chơi trẻ em theo độ tuổi, bố mẹ cũng nên cân nhắc chọn đồ chơi theo tính cách của bé, bởi vì trẻ có yêu thích món đồ thì mới vui chơi và học hỏi hiệu quả được.
+ Chẳng hạn bạn muốn sửa bớt tính tăng động của con, nên chọn đồ chơi ở trạng thái tĩnh để trẻ tập kiểm soát cảm xúc của mình, tốt nhất nên lựa chọn đồ chơi đất nặn, mô hình lắm ghép, đồ chơi tháo lắp,…
+ Với những trẻ quá nhút nhát, tính cách trầm ngâm bạn có thể ưu tiên cho đồ chơi có tính chất động, vui tươi, sôi nổi như ô tô, máy bay, xe tăng, hộp nhạc, đồ chơi nhảy múa,… để kích thích sự hoạt bát, nhanh nhẹn ở trẻ.
+ Còn nếu em bé của nhà bạn có tính nóng vội, hấp ta hấp tấp thì hãy thử cho bé chơi các đồ chơi handmade – hướng dẫn trẻ tự làm như đồ chơi bằng giấy, đồ chơi bằng gỗ,… để trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, không được nóng vội…