Chuột rút là tình trạng co thắt không kiểm soát ở các cơ. Chuột rút có thể gây nguy hiểm nếu đang bơi dưới nước, đang lái xe, ngồi gần bếp lửa,… Người bị chuột rút nên làm gì để hết chuột rút? Cùng tham khảo biện pháp xử lý khi bị chuột rút qua bài viết dưới đây do suckhoevagiadinh.vn tổng hợp.
1. Kéo giãn cơ bắp
Kéo giãn vùng cơ bắp bị chuột rút thường sẽ giúp cải thiện hoặc ngăn chặn tình trạng co thắt xảy ra. Dưới đây là các động tác kéo giãn cơ bắp chân, đùi, lưng và cổ:
+ Động tác kéo giãn cơ chân:
– Động tác 1:
- Nằm xuống, duỗi thẳng chân, kéo các ngón chân về phía đầu.
- Giữ trong vài ba giây hoặc cho tới khi hết co thắt.
- Có thể sử dụng dây đeo hay thắt lưng, khăn tắm vòng qua bàn chân. Sau đó kéo nhẹ phần đầu bàn chân về phía cơ thể.
- Động tác này cũng có tác dụng với chứng chuột rút cơ gân kheo.
– Động tác 2:
- Đứng và dồn trọng lượng của cơ thể lên chân bị chuột rút. Hơi gập đầu gối lại.
- Kiễng chân trong vài ba giây.
- Tiến về phía trước với chân không bị chuột rút. Cần giữ thẳng chân bị chuột rút.
+ Động tác kéo giãn cơ đùi:
- Đứng và giữ vào một chiếc ghế giúp cơ thể thăng bằng.
- Gập đầu gối và đưa chân về phía sau khỏi hông.
- Giữ mắt cá chân và kéo bàn chân lên phía sau về phía mông.
+ Động tác kéo giãn cơ lưng:
Các đầu tiên và đơn giản nhất để kéo giãn cơ lưng là đi bộ xung quanh. Động tác này sẽ giúp thả lỏng cơ lưng và giảm chuột rút. Cần đi bộ với tốc độ chậm và ổn định. Ngoài ra có thể thực hiện một số bài tập sau:
– Bài tập 1:
- Nằm xuống sàn hay trên giường.
- Đặt 1 quả bóng tennis hoặc 1 quả bóng nhỏ khác ngay dưới khu vực bị chuột rút trong vài phút.
- Cố gắng thư giãn và hít thở bình thường.
- Di chuyển quả bóng tới vị trí liền kề và lặp lại.
– Bài tập 2:
- Nằm trên sàn, đặt con lăn xốp vuông góc với cột sống.
- Di chuyển lưng qua con lăn, lên tới bả vai rồi xuống rốn.
- Giữ tay khoanh trước ngực.
– Bài tập 3:
- Ngồi lên quả bóng tập rồi nằm ngửa sao cho lưng, vai và mông duỗi thẳng trên quả bóng. Đặt bàn chân trên sàn.
- Thực hiện động tác này gần ghế để bạn có thể giữ vững khi bị mất thăng bằng.
- Cần nằm duỗi ra trong khoảng vài ba phút.
+ Động tác kéo giãn cơ cổ:
- Có thể ngồi hay đứng đều được.
- Hãy xoay tròn vai bằng cách lăn vai ra phía trước, lên trên, ra sau và xuống.
- Lặp lại động tác trên khoảng 10 lần.
- Sau đó cuộn vai theo hướng ngược lại và lặp lại 10 lần.
2. Cách xoa bóp chữa chuột rút
Xoa bóp cơ bắp cũng là một cách chữa chuột rút tại nhà rất đơn giản. Chỉ cần dùng lực từ bàn và các ngón tay để tác động trực tiếp lên vùng bị co thắt cơ bắp. Việc xoa bóp có tác dụng thư giãn gân cơ, giải phóng ứ trệ, chèn ép. Đồng thời thúc đẩy tuần hoàn máu.
Trường hợp thường xuyên bị chuột rút khi ngủ thì bạn nên thực hiện massage trước khi đi ngủ. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp ngăn ngừa chuột rút và chăm sóc tốt cho chất lượng giấc ngủ.
Hướng dẫn cách xoa bóp:
- Chà xát 2 lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên
- Xoa bóp, massage lên các vùng cơ bắp bị ảnh hưởng
- Xoa theo chuyển động tròn với cường độ từ nhẹ đến mạnh
- Có thể kết hợp các động tác day, ấn, lăn, miết để nâng cao hiệu quả
- Thực hiện xoa bóp trong khoảng từ 15 đến 20 phút
Đối với trường hợp bị co thắt lưng dai dẳng, bạn hãy thử véo mạnh vào khu vực xung quanh rồi giữ chặt vài ba phút. Nếu không thể tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng thì có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân.
3. Chườm nóng
Chườm nóng là một trong những biện pháp khắc phục chứng chuột rút cơ bắp hữu hiệu. Đặc biệt giải pháp này rất dễ thực hiện, bạn hoàn toàn có thể tự chườm cho bản thân ngay tại nhà.
Nhiệt độ nóng sẽ giúp làm dịu cơn đau do chuột rút. Đồng thời giúp các cơ được nới lỏng và tăng cường tuần hoàn máu để hạn chế tình trạng co cứng cơ.
Bạn nên chuẩn bị 1 miếng đệm nóng hoặc khăn ấm để chườm trực tiếp lên vùng cơ bị căng. Thực hiện trong khoảng 15 – 20 phút để nhận được hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không sử dụng nền nhiệt quá cao.
4. Chườm lạnh
Chườm lạnh cũng là một cách tuyệt vời khác để chữa trị chuột rút. Khi cơn đau đã thuyên giảm một chút sau khi chườm nóng, bạn hãy lấy một túi nước đá hoặc túi đá để chườm lên vùng cơ bị chuột rút.
Nhiệt độ lạnh có tác dụng làm tê tạm thời các dây thần kinh dẫn truyền cảm giác. Đồng thời khắc phục chứng căng cơ hay sưng tấy do chuột rút. Tuy nhiên, không nên dùng đá viên để tác động trực tiếp lên vùng ảnh hưởng.
Lời khuyên dành cho bạn là sau khi chườm lạnh hãy thử xoa bóp lên vị trí bị ảnh hưởng. Cách này sẽ giúp nới lỏng cơ tốt hơn.
5. Bổ sung nước và chất điện giải
Một cách để làm giảm tình trạng chuột rút cơ bắp trước khi chúng bắt đầu đó là uống đủ nước. Mất nước có thể gây ra co cứng. Trong khi đó bổ sung đủ nước sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng này.
Ngoài ra, việc bổ sung chất lỏng khi bị chuột rút cũng sẽ giúp thư giãn cơ. Khi cơ thể được đáp ứng đủ nước thì các tế bào cơ cũng được giữ nước và ít bị kích thích hay khó chịu hơn.
Trường hợp bị chuột rút do tập luyện hay vận động nặng thì bạn nên bổ sung chất điện giải cho cơ thể. Chú ý ăn uống đầy đủ chất hằng ngày và nên bổ sung BCAA để phục hồi nhanh tổn thương do tập luyện.
6. Tắm nước muối Epsom
Trường hợp bị chuột rút kéo dài trên 5 phút hoặc lâu hơn thì bạn nên chọn cách tắm nước ấm. Đây là cách chữa chuột rút đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất khả quan.
Tắm nước ấm tạo điều kiện cho hơi nóng chạy dọc khắp các cơ bắp và giảm chuột rút. Nên thêm vào bồn tắm 1 ít muối Epsom để nhận được sự thư giãn nhiều hơn.
Hướng dẫn cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1 bồn tắm nước ấm có nhiệt độ vừa phải
- Thêm vào 1 cốc nhỏ muối Epsom khuấy đều lên
- Ngâm mình trong bồn tắm khoảng 10 phút
- Có thể tắm lại với nước thường để cơ thể bớt nhờn rít
- Lau khô người rồi mặc quần áo
7. Đi chân trần
Một cách chữa chuột rút hiệu quả khác tại nhà mà bạn nên thử là đi chân trần trên sàn nhà. Chú ý cử động các ngón chân và tỳ ngón chân lên sàn nhà. Sau đó thực hiện động tác kéo căng ngón chân ra.
Thực tế cho thấy, việc đi chân trần trên sàn nhà có thể cải thiện tốc độ lưu thông máu. Đồng thời giúp các cơ được thư giãn và làm giảm cũng như ngăn ngừa tình trạng chuột rút cơ bắp.
8. Tập thể dục nhẹ nhàng
Tình trạng chuột rút cơ bắp có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào. Đặc biệt nhiều người có thể gặp phải chứng chuột rút vào ban đêm gây cản trở giấc ngủ.
Nhiều người nhận thấy rằng, họ có thể tránh bị chuột rút ở chân vào ban đêm khi tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ. Một số ví dụ về các bài tập thể dục nhẹ bao gồm:
- Chạy bộ tại chỗ
- Đi bộ lên và xuống cầu thang
- Bật trên tấm bạt lò xo
- Đi xe đạp tĩnh trong vài phút
- Sử dụng máy chèo thuyền trong vài phút
Mặc dù tập thể dục nhẹ nhàng có thể hữu ích nhưng nếu tập với cường độ từ vừa tới cao sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Chính vì vậy cần đặc biệt chú ý đến cường độ tập luyện. Nhất là tập vào thời điểm trước khi ngủ.
9. Dùng kem bôi tại chỗ
Trên thực tế, một số loại kem giảm đau không kê đơn có thể hữu ích với các trường hợp bị chuột rút. Chúng có thể bao gồm các sản phẩm có chứa lidocain hoặc tinh dầu bạc hà. Khi thoa lên vùng da bị co thắt cơ bắp có thể giúp thư giãn và cải thiện tốt triệu chứng.
Ngoài ra, một số sản phẩm gel làm mềm da được làm từ curcuma longa (nghệ) và hạt cần tay cũng có thể được sử dụng. Chúng có tác dụng làm giảm đau và viêm do co thắt cơ bắp gây ra.
10. Các biện pháp khắc phục không kê đơn
Một số thứ có thể dùng theo đường uống giúp làm giảm tình trạng chuột rút, bao gồm:
- Pickle juice: Uống một lượng nhỏ Pickle juice có thể làm giảm các cơn co thắt cơ bắp trong vòng 30 – 35 giây. Pickle juice hoạt động bằng cách khôi phục sự cân bằng điện giải.
- NSAID: Các thuốc chống viêm không steroid cũng có thể được sử dụng để làm giảm sự khó chịu của các cơn chuột rút cơ bắp.
- Thuốc bổ sung: Một số loại như thuốc viên muối, chất bổ sung magie hay vitamin B12 cũng được một số người sử dụng để điều trị và ngăn ngừa chuột rút. Tuy nhiên cần lưu ý bởi có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của giải pháp này.
- Thuốc giãn cơ tự nhiên: Có thể là uống trà hoa cúc hay thêm capsaicin vào thực phẩm. Ngoài việc làm giảm chuột rút thì còn cải thiện chất lượng giấc ngủ.